357 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10, TP.HCM 1900 7060 info@duhocthailan.com

Khám phá lễ hội Phi Ta Khon của Thái Lan

Mục lục bài viết

    Không nổi bật như Songkran, không nhẹ nhàng như Loy Krathong, Phi Ta Khon đem đến màu sắc độc lạ điểm vào nền văn hóa vốn đã đa dạng của đất nước Thái Lan. Lễ hội Phi Ta Khon có vẻ ngoài “đáng sợ” bởi những hình nộm và mặt nạ trang trí trong lễ hội tuy nhiên câu chuyện phía sau những hình nộm đáng sợ kia chính là điểm nhấn khiến ý nghĩa của lễ hội làm cho Phi Ta Khon thêm phần thu hút. 

    Lễ hội Phi Ta Khon là gì? 

    Phi Ta Khon (ผีตาโขน) là dấu vết di sản văn hóa còn sót lại của người Thái Lan. Lễ hội Phi Ta Khon lưu truyền một nền lịch sử lâu đời về tín ngưỡng trong đời sống của tổ tiên người Thái Lan. Được tổ chức hằng năm vào ngày 1 đến ngày 3 tháng 7, Lễ hội là một cuộc diễn hành kéo dài ba ngày với nhiều hoạt động khác nhau thường được tổ chức tại huyện Dan Sai (ด่านซ้าย), tỉnh Loei (เลย) thuộc vùng Đông Bắc của Thái Lan. Có một số tỉnh thuộc vùng Đông Bắc cũng tổ chức lễ hội Phi Ta Khon nhưng lễ hội tổ chức ở huyện Dan Sai, tỉnh Loei phổ biến và trở thành đặc trưng của tỉnh Loei hơn những nơi khác. 

    Người tham gia diễu hành phải hóa trang thành những con ma

    Người tham gia diễu hành phải hóa trang thành những con ma

    “Phi Ta Khon” chính xác là một lễ hội với các hoạt động khác nhau trong đó quan trọng nhất là hoạt động diễu hành từ trong khu nhà dân đến sông Man (แม่น้ำหมัน). Trong lễ hội này, người tham gia diễu hành phải hóa trang thành những con ma. Người chơi phải cùng tham gia làm những con hình nộm và những chiếc mặt nạ thật đáng sợ và thật xấu. Bên trong những con hình nộm to đều có người điều khiển bên trong. Xuyên suốt buổi diễu hành, người tham gia sẽ hòa vào đám đông và thực hiện các cử chỉ khác nhau 

    Ý nghĩa của lễ hội Phi Ta Khon

    Ban đầu, Phi Ta Khon có tên là Phi Tam Khon (ผีตามคน) với ý nghĩa là ma ám người. Qua thời gian, với cách đọc biến âm từ Phi Ta Khon người Thái dần công nhận tên mới của lễ hội và trở thành tên chính thức đến ngày nay là Phi Ta Khon. Lễ hội được xem là một phần của buổi lễ công đức trang trọng. Lễ hội này còn có tên khác là “Boon Luang” (บุณหลวง) mang ý nghĩa là công đức của nhà vua. Ý nghĩa của lễ hội Phi Ta Khon xuất phát từ câu chuyện Phra Vessantorn (พระเวสสันดร) và Hoàng hậu của mình từ biệt rừng sâu trở về thành phố. Với công đức vô lượng của nhà Vua, nhiều loài động vật và hồn ma hoang trong rừng cảm thấy thương nhớ Đức Vua, vì vậy đã dẫn đầu cuộc diễu hành tiễn Vua và Hoàng hậu về thành phố. Trên đường về, Vua và Hoàng Hậu buộc phải ghé ngang khu dân cư có người ở. Người xưa Thái Lan cho rằng, những hồn ma lang thang trong khu dân cư sẽ mang đến điềm xui xẻo cho con người. Nó cũng chính là lý do, người dân quan niệm rằng nếu cải trang thành ma như những hồn ma đang diễu hành, sẽ khiến những con ma không nhận ra con người và không mang đến điềm xui xẻo cho cả khu làng. 

    Những chiếc mặt nạ đáng sợ mang màu sắc sặc sỡ

    Những chiếc mặt nạ đáng sợ mang màu sắc sặc sỡ

    Ngày nay, khi người trong làng tổ chức lễ hội Phi Ta Khon, họ sẽ đội những chiếc mặt nạ, mặc những hình nộm hóa trang và đi từ đầu làng cho đến cuối làng và lột bỏ các vật hóa trang bỏ lại ở sông Man và quay đi không nhìn lại. Người dân Thái Lan quan niệm làm như vậy sẽ bỏ lại những điều không may mắn, đau khổ xuống dòng sông Man để những điềm xui xẻo theo dòng nước mà cuốn đi. 

    Các hoạt động trong lễ hội Phi Ta Khon 

    Phi Ta Khon diễn ra trong ba ngày. Các hoạt động trong lễ hội Phi Ta Khon được phân chia theo ngày.

    Ngày thứ nhất, bắt đầu làm lễ buổi sáng từ 4 đến 5 giờ. Nhóm người đóng vai người hầu của ngài Pho Kuan sẽ mang theo dao, kiếm, giáo, thang, hoa, nhang, nến dẫn đầu đoàn diễu hành đi đến sông Man để mời Ngài Upakut - Đấng có sức mạnh vĩ đại thường ngự tại đại dương để Ngài có thể bảo vệ dân chúng khỏi an nguy và mang đến hạnh phúc cho người dân. Khi đến, phải có người đứng ra mời Ngài bằng một câu thần chú và bước xuống nước. Tiếp đến, người mời phải nhìn lên tảng đá dưới nước và hỏi “Có phải là ngài Upakut hay không?”. Người trên bờ phải trả lời “Không”. Cho đến hòn đá thứ ba người trên bờ mới được trả lời “Đúng, là Upakut”. Khi Ngài Upakut bước đến, mọi người phải đón lên kiệu và đưa đám rước trở lại nơi tổ chức lễ hội. 

    Khung cảnh chùa Phon Chai tại Thái Lan

    Khung cảnh chùa Phon Chai tại Thái Lan

    Ngày thứ hai là lễ rước Ngài Wes. Đoàn rước bao gồm một tượng Phật, bốn nhà sư ngồi trên cáng, theo sau là Ngài Pho Kuan, ngồi trên một trụ cầu lửa. Cuối đoàn rước là Ngài Mae Nang Tiam cùng với dân làng và các Phi Ta Khon. Buổi diễn hành tiếp diễn đến buổi chiều trước khi mặt trời lặn, những ai đóng vai Phi Ta Khon lớn và đeo mặt nạ Phi Ta Khon nhỏ đều phải cởi bỏ trang phục và vứt chúng xuống dòng sông Man. Mọi người không được phép đem những bộ trang phục trở vào nhà bởi vì chúng tượng trưng cho những điều thống khổ và tồi tệ. 

    Ngày thứ ba, dân làng cùng tụ tập để cùng làm lễ công đức. Bên cạnh đó mọi người cũng sẽ ngồi nghe giảng kinh tại chùa Phon Chai để tạo phước đức và điềm lành trong cuộc sống. Hết ngày thứ ba, thời gian cho lễ hội cũng kết thúc và mọi người lại chờ đợi ngày 1 tháng 7 của năm sau để cùng nhau tham gia lễ hội.

    Các loại mặt nạ Phi Ta Khon

    Như đã đề cập đến ở bên trên, các loại mặt nạ Phi Ta Khon có sự đa dạng nhưng nhìn chung có thể chia đơn giản thành hai loại: Phi Ta Khon lớn và Phi Ta Khon nhỏ. 

    Phi Ta Khon lớn là những hình nộm có kết cấu khung làm từ tre. Bên ngoài của hình nộm là những nét vẽ với hình thù kỳ dị và màu sắc sặc sỡ. Những con Phi Ta Khon lớn có thể được tạo ra cho một người mặc vào điều khiển. 

    Hình nộm Phi Ta Khon lớn trong lễ hội

    Hình nộm Phi Ta Khon lớn trong lễ hội 

    Phi Ta Khon nhỏ là những người tham gia lễ hội đeo mặt nạ hóa trang có hình như xấu xí và ghê rợn. Đối tượng tham gia vào lễ hội không giới hạn độ tuổi. Trẻ em hay người lớn, trai tráng hay phụ nữ đều có thể tham gia hóa trang. Những Phi Ta Khon nhỏ có thể là do đứa trẻ hóa trang thành và hòa vào đám đông tham gia cùng người lớn. 

    Trẻ em cũng có thể tham gia hóa trang vào lễ hội Phi Ta Khon

    Trẻ em cũng có thể tham gia hóa trang vào lễ hội Phi Ta Khon

    Nếu có dịp ghé đến huyện Dan Xai, tỉnh Loei đúng vào dịp lễ hội diễn ra những ai đang du học Thái Lan nên một lần trải nghiệm cảm giác thú vị khi được hòa vào không khí lễ hội. 

    Bên trên là thông tin thú vị về lễ hội Phi Ta Khon có phần kinh dị nhưng cũng không thiếu yếu tố nhân văn. Thái Lan còn rất nhiều những lễ hội khác nhau, đừng quên theo dõi trang web của Phuong Nam Education để có thể đón xem những bài viết mới nhất nhé!

     

    Tags: lễ hội Phi Ta Khon, ý nghĩa của lễ hội Phi Ta Khon, các hoạt động trong lễ hội Phi Ta Khon, mặt nạ Phi Ta Khon, du học Thái Lan, lễ hội truyền thống Thái Lan, khám phá Thái Lan, lễ hội Phi Ta Khon tỉnh Loei.

     

    Tư vấn miễn phí

    Để lại số điện thoại
    để được Phuong Nam Education liên hệ tư vấn

    Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
    1900 7060

    Gọi ngay
    Zalo chat